Tin tài chính chứng khoán

Sự kiện nổi bật nhất TTCK 2011

(03/01/2012)
 
02-01-2012 09:12:27
(ĐTCK) Cùng ĐTCK điểm qua 10 sự kiện chứng khoán năm 2011. Đây là những mảng màu chính của bức tranh TTCK Việt Nam trong một năm đầy "sóng gió".
 

1. Thông tư 226/2010/TT-BTC có hiệu lực

Thông tư 226/2010/TT-BTC có hiệu lực từ 1/4/2011 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Thông tư có hiệu lực là sự hiện thực hóa các yêu cầu của cơ quan quản lý đối với các định chế trung gian của thị trường, qua đó góp phần lành mạnh hóa hoạt động của khối thành viên này.

Yêu cầu của Thông tư 226 có thể khiến phạm vi kinh doanh của các CTCK và công ty quản lý quỹ bị hạn chế phần nào, thậm chí làm giảm thu nhập trước mắt, nhưng về dài hạn, Thông tư giúp các định chế này vững mạnh hơn, đồng thời góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của NĐT.

 

2. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 74/2011/TT-BTC

Giữa năm 2011, khi các chỉ số chứng khoán vẫn tiếp tục nối dài chuỗi ngày giảm điểm, trong một nỗ lực nhằm tạo thêm sự hấp dẫn và thanh khoản cho thị trường, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.

Thông tư này cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản, được giao dịch mua/bán cổ phiếu trong ngày và được giao dịch ký quỹ.

Nhiều người đã đặt kỳ vọng cao vào những điểm mới này, tuy nhiên, trên thực tế, cho đến hết năm 2011, Thông tư 74  chưa phát huy hiệu lực trong vòng xoáy suy giảm của thị trường.

Một trong các lý do, có lẽ là, nhiều cổ phiếu blue-chip, thanh khoản cao bị loại ra khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ.

 

3. Doanh nghiệp hủy niêm yết

TTCK suy giảm khiến mục tiêu khi niêm yết của nhiều doanh nghiệp không đạt được, ngược lại, doanh nghiệp lại phải chịu áp lực công bố thông tin và nguy cơ bị thâu tóm. Đó là những lý do mà không ít doanh nghiệp đưa ra khi công khai ý định rút niêm yết.

Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hủy niêm yết. Không loại trừ, với một số doanh nghiệp, việc công bố ý định hủy niêm yết chỉ là một chiêu làm giá, nhưng trong số doanh nghiệp công khai ý định hủy niêm yết, có doanh nghiệp đã thực sự hủy như Descon (DCC) do bị bắt buộc bởi vi phạm công bố thông tin (bị nghi là cố tình để nhanh hủy niêm yết). Dù ở trường hợp nào, thì việc thị trường suy giảm cũng vẫn là nguyên nhân chính.

 

4. DVD ngừng hoạt động

Một công ty phá sản là chuyện bình thường trong đời sống kinh tế, nhưng khi CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), một doanh nghiệp niêm yết, bị Ngân hàng ANZ yêu cầu mở thủ tục phá sản, TTCK Việt Nam đã xáo động.

Cổ phiếu DVD bị hủy niêm yết ngày 5/9/2011 và sau đó không lâu, doanh nghiệp này ngừng hoạt động.

Chủ tịch DVD Lê Văn Dũng vừa bị kết án 4 năm tù về tội thao túng chứng khoán. Vụ việc để lại một dấu hỏi lớn trong cộng đồng NĐT về trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như thủ tục giải quyết các trường hợp tương tự.

 

 

5. CTCK thiếu hụt thanh khoản

TTCK giảm mạnh và kéo dài khiến các CTCK hứng chịu những hệ lụy chưa từng có. Chi phí lớn trong khi nguồn thu ngày càng hạn hẹp khiến nhiều công ty rơi vào tình cảnh thua lỗ, buộc phải cắt giảm nghiệp vụ, song nghiêm trọng hơn là một số bị thiếu hụt thanh khoản như trường hợp của CTCK SME.

Sự nghiệm trọng là ở chỗ, CTCK đã xâm phạm tài khoản tiền gửi của NĐT - một điều tối kỵ, gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của NĐT đối với các CTCK nói riêng và TTCK nói chung.

Sự việc này cũng khiến NĐT đặt câu hỏi, bao giờ thì tài khoản tiền gửi của NĐT thực sự tách khỏi tài khoản tiền gửi của các CTCK tại ngân hàng?

 

6. HNX-Index còn 56,7 điểm

56,7 điểm là mức thấp nhất trong lịch sử của chỉ số HNX-Index, lập ngày 27/12/2011. Được đánh giá là chỉ số phản ánh sát thực tế thị trường hơn, mức điểm thấp kỷ lục của HNX-Index là chỉ báo rõ nét nhất sự suy giảm của TTCK Việt Nam.

HNX-Index không giảm đột ngột về mức này mà đi xuống một cách đều đặn trong suốt năm 2011. Xu hướng giảm dài hạn của HNX-Index phản ánh sự lấn át của khó khăn kinh tế vĩ mô đối với bất kỳ tin tốt xuất hiện riêng lẻ nào trong năm, đồng thời phản ánh sự chán nản của NĐT trước những bất cập cố hữu của thị trường.

 

7. Quy trách nhiệm cá nhân vi phạm hành chính

Năm 2011, lần đầu tiên, trong các quyết định xử phạt doanh nghiệp niêm yết vi phạm chế độ báo cáo và công bố thông tin, UBCK yêu cầu đơn vị bị xử phạt phải xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của người đó.

Đã có 7 công ty niêm yết đầu tiên công bố kết quả xác định trách nhiệm của 17 cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính. Các công ty này gồm SD4, TLG, BBC, SD5, ST8, SDY và HJS. Tuy vậy, mức độ xử phạt được cho là vẫn chưa tương xứng với các hành vi vi phạm để đủ sức răn đe.

 

8. IPO BIDV

TTCK khó khăn là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2011, một số tổng công ty lớn đã cố gắng IPO như TCT Thép (VNSteel), TCT Xăng dầu (Petrolimex), TCT Miền Trung (Cosevco) và 2 ngân hàng MHB và BIDV, nhưng kết quả không như mong đợi.

Chẳng hạn, VNSteel chỉ bán được 60%, MHB bán được 28% với các mức giá trúng bình quân không cao. Trong số các cuộc IPO trên, IPO BIDV đáng chú ý nhất bởi sự "dũng cảm" của doanh nghiệp này, khi số lượng cổ phần IPO lớn nhất trong các đợt IPO của năm và ở thời điểm IPO, HNX-Index thấp nhất trong lịch sử.

BIDV đã IPO thành công khi bán được toàn bộ số cổ phần phát hành với giá bình quân 18.583 đồng/CP.

 

9. Hơn 60% cổ phiếu có giá dưới mệnh giá

Kết thúc năm 2011, khi HNX-Index giảm về những mức điểm thấp kỷ lục, toàn thị trường có tới 62% cổ phiếu có giá thấp hơn mệnh giá.

Trong đó, sàn Hà Nội có 272 mã, sàn TP. HCM có 162 mã. Việc thị trường có cổ phiếu giảm giá về dưới mệnh giá không mới, song khi số cổ phiếu rơi vào tình cảnh này nhiều lên thì những hệ luỵ mới bắt đầu xuất hiện.

Chẳng hạn, khi doanh nghiệp muốn phát hành thêm cổ phần tăng vốn với giá cổ phần không thể cao hơn hoặc bằng thị giá thì vướng mắc xuất hiện trong việc hạch toán phần chêch lệch dưới mệnh giá. Trường hợp của VCG là một ví dụ.

 

10. UBCK trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu TTCK

Tháng 12/2011, Đề án tái cấu trúc TTCK đã được UBCK trình Chính phủ với những nội dung chính là tái cấu trúc CTCK, tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường, tái cấu trúc 2 sở giao dịch và tái cấu trúc cơ sở NĐT.

TTCK Việt Nam năm qua suy giảm do kinh tế vĩ mô khó khăn, nhưng cũng do bản thân thị trường còn nhiều bất cập. Những bất cập này đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện kinh tế khắc nghiệt và là lý do chính gây suy giảm niềm tin của NĐT - yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ TTCK nào. Tái cơ cấu TTCK lúc này là giải pháp không thể khác để vực dậy TTCK bắt đầu từ năm 2012.

Nguồn “Đầu tư Chứng khoán điện tử”

 
Vàng và tỷ giá
Bảng giá chứng khoán
 
 
Ngoại tệ VNĐ

Hà Nội
Đà Nẵng
Hồ Chí Minh